Hôm nay, ngày 19/12/2024 06:11:51 AM - Hotline: 0836 304 333

Hoạt động M&A và kiều hối đổ mạnh vào thị trường BĐS 2017

Hoạt động M&A và kiều hối đổ mạnh vào thị trường BĐS 2017

22/01/2017 14:29

Bên cạnh các kênh vốn truyền thống từ ngân hàng và huy động trong dân, thị trường BĐS năm 2017 có nhiều cơ hội đón thêm dòng vốn đến từ các quỹ đầu tư quốc tế thông qua hoạt động M&A và dòng tiền từ kiều bào ngoại quốc.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng nhà nước siết chặt nguồn vốn vay vào thị trường BĐS sẽ gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, động thái này sẽ  thúc đẩy mạnh các hoạt động M&A giữa doanh nghiệp nội và các đối tác quốc tế..

Vốn tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bất động sản. Ước tính kênh huy động này chiếm 70% tổng vốn phát triển của toàn thị trường. Tháng 1/2017, thông qua Thông tư 06, nguồn vốn của ngân hàng với BĐS bị siết chặt hơn... Kênh huy động truyền thống bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn mới từ các kênh chứng khoán, bảo hiểm, huy động trong dân và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư ngoại. Theo ông Stephen Wyatt - TGĐ JLL Việt Nam, khi nguồn vốn truyền thống từ ngân hàng bị kiểm soát, nhà đầu tư có động thái ưu tiên tìm kiếm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư quốc tế. Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư tự do. Nhiều quỹ đầu tư uy tín muốn thông qua đối tác Việt gia nhập vào sân chơi này. Đại diện JLL cho rằng năm 2017 sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động mua bán và sáp nhập trên thị trường bất động sản Việt Nam.

hoạt động M&A và kiều hối đổ mạnh vào thị trường BĐS
Dòng vốn đến từ các thương vụ M&A sẽ chiếm vai trò quan trọng trong
viêc phát triển và làm thay đổi cục diện của thị trường BĐS trong năm 2017

Nhận định trên được minh chứng qua sự thành công của các thương vụ M&A đình đám diễn ra vào thời điểm cuối năm 2016, đầu 2017. Nửa cuối năm 2016, hàng loạt đơn vị nước ngoài dồn dập đổ vốn vào các dự án BĐS mới. Keppel Land đổ gần 100 triệu USD vào dự án Empire City, Palm City; CapitaLand chi 52 triệu USD  để phát triển một dự án hạng sang tại quận 1, Frasers Centrepoint Limited (FCL) bỏ ra một số vốn khủng để mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển nhà GHomes …

Khởi động năm 2017, thương vụ hợp tác giữa SonKim Land và quỹ đầu tư Lemon Grass Master Fund Nhật Bản đã khai mào cho hoạt động M&A của thị trường. Theo đó, thông qua quỹ đầu tư Lemon Grass Master Fund, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đầu tư 100 triệu USD vào SonKim Land. Hơn 46 triệu USD đã được giải ngân vào 21/12/2016, 54 triệu USD tiếp theo sẽ đổ về trong quý I năm nay. Tập đoàn Novaland cũng vừa huy động được khoản vay tài trợ trị giá 100 triệu USD từ tổ chức tài chính uy tín Credit Suisse. Ngoài ra, 120 triệu USD từ các quỹ đầu tư Dragon Capital, VinaCapital, GIC, J.P.Morgan … cũng sẽ được rót vào Novaland trong năm 2017. Tập đoàn xây dựng Daewon - Hàn Quốc cũng vừa rót vốn liên kết cùng Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức để triển khai một dự án nghỉ dưỡng mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, nguồn vốn từ Kiều bào cũng đang đổ mạnh vào thị trường BĐS. Cụ thể, đầu tháng 1/2017, Công ty TNHH Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh, một doanh nghiệp do nhóm các nhà đầu tư Việt kiều ở  Nga công bố  rót thêm gần 2000 tỷ đồng để phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng Cam Ranh CityGate tại Nha Trang. Nhóm Việt kiều này cũng sẽ triển khai thêm một dự án khách sạn nghỉ dưỡng tại Tp. Hà Nội trong thời gian tới. Trước đó, các  nhà đầu tư này cũng chi ra hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn tại Nha Trang như khách sạn  Panorama Nha Trang, Khu đô thị Lê Hồng Phong I&II, Khu Biệt thự sinh thái đầm Thuỷ Triều, Khu du lịch Cam Ranh Bay Cottage… Một nhóm nhà đầu tư là Việt kiều từ Đức cũng  đang có kế hoạch rót vốn vào một dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc thông qua việc liên kết với một đối tác nội địa.

Chia sẻ về làn sóng kiều hối đổ về thị trường BĐS trong năm nay, ông Trần Anh Tuấn - đại diện của T&C Holdings cho biết, bên cạnh dòng kiều hối của các thị trường Châu Âu như Đức, Nga, Pháp… nhiều nhà đầu tư là Việt kiều trong khu vực Châu Á bày tỏ hứng thú với thị trường BĐS Việt Nam. Nhiều nhóm Việt kiều từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và cả ở Trung Quốc đang thông qua các công ty để tìm hiểu về thị trường BĐS  Việt Nam. Những năm qua, số lượng nhà đầu tư Việt kiều về nước định cư và có ý định đầu tư BĐS gia tăng theo cấp số nhân, đây là một tín hiệu  tích cực. “Họ không chỉ muốn sở hữu BĐS mà còn muốn đầu tư vào sân chơi đầy tiềm năng này. Do chưa thực sự hiểu rõ thị trường nên hình thức M&A sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của đối tượng này”, ông Tuấn nhận định. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vấn đề pháp lý và thủ tục mua bán vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho nguồn vốn ngoại thuận lợi đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Phương Uyên
(Nhịp sống thời đại)

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê