Từ tháng 7/2015, một số đạo luật mới hoặc sửa đổi đã bắt đầu có hiệu lực, giúp mở cửa nhanh chóng thị trường bất động sản ở (BĐS) Việt Nam.
Theo đó, bất cứ người nước ngoài nào có thị thực hợp lệ, dù là thường trú hay khách du lịch thì đều có thể mua BĐS với thời hạn sở hữu 50 năm và được gia hạn nếu muốn.
Cá nhân hay tổ chức nước ngoài được phép mua và sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ tại một tòa nhà chung cư và tối đa 250 căn nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường. Tuy nhiên, những quy định này không áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhờ những quy định mới thông thoáng hơn mà thị trường BĐS đã bắt đầu khởi sắc. Song, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước thời cơ này.
Đây là thời điểm mà giới đầu tư nước ngoài nên khẩn trương tính đến việc mua BĐS tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Năm 2008, giá nhà đạt tốc độ tăng trưởng 110% so với năm trước đó và cán đỉnh trong bối cảnh thị trường BĐS luôn "nóng." Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát đã khiến "bong bóng" BĐS cũng vỡ theo.
Trong những năm sau đó, thị trường BĐS lâm vào tình trạng "đóng băng."
Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam Marc Townsend miêu tả, các công ty đều án binh bất động, các nhà thầu không có việc, cần cẩu đứng im lìm trong khi giới ngân hàng gãi đầu, gãi tai.
Từ cuối năm 2014, dấu hiệu của đà phục hồi bắt đầu xuất hiện nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, lương tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng được mở rộng. Việt Nam hiện có 65 dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị khởi công và 38 sân golf trên toàn quốc.
Dự báo, năm 2025 sẽ có 50% dân số Việt Nam sống tại các khu đô thị, thành phố. Hiện tại, cần cẩu lại mọc lên tại nhiều dự án xây dựng chung cư cao tầng ở Tp.HCM, kéo theo những khu nhà cho công nhân.
Ông Fraser Wilson, Trưởng nhóm BĐS của tập đoàn Dragon Capital đánh giá, mức cầu trên thị trường BĐS đang mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2007 đến nay.
Nếu so với các nước khác ở châu Á thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn về giá.
Tại trung tâm Sài Gòn, giá BĐS cao cấp dao động từ 3.000 USD - 5.000 USD/m2, như vậy là thấp hơn nhiều so với mức 9.375 USD/m2 ở Bangkok (Thái Lan). Có thể thấy, thị trường BĐS ở Việt Nam đang chuyển dịch từ một thị trường sơ khai sang một nơi để đầu tư.
Trong khi đó, Việt Nam lại có tiềm năng trở thành một điểm đến của du lịch toàn cầu. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa thị trường BĐS khi giới đầu tư nước ngoài quyết định đổ vốn vào Việt Nam.