Hôm nay, ngày 01/11/2024 03:19:03 PM - Hotline: 0836 304 333

Cha mẹ chồng cũ đòi nhà đất

Cha mẹ chồng cũ đòi nhà đất

07/04/2016 10:10

Hai bản án sơ, phúc thẩm đã bị cấp giám đốc thẩm hủy vì có nhiều thiếu sót, vi phạm cả về tố tụng lẫn nội dung.
Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng vừa xử giám đốc thẩm phần chia tài sản chung (nhà đất) trong vụ ly hôn của anh HVL và chị NTH (cùng ngụ huyện Phù Mỹ, Bình Định).
 
Tranh chấp tài sản chung
 
Theo hồ sơ, anh L. và chị H. kết hôn năm 1989, sau đó mua một căn nhà trên mảnh đất diện tích 163 m2 của người khác. Hai bên viết “giấy bán nhà” đề ngày 10-11-1989, giá tiền là 1 triệu đồng, có chữ ký của hai bên mua bán và người làm chứng, được UBND xã chứng thực. Năm 2002, chính quyền địa phương đã cấp giấy đỏ cho hộ anh L.
 
Tháng 1-2012, vợ chồng họ nộp đơn ra TAND huyện Phú Mỹ xin thuận tình ly hôn. Về phần chia tài sản chung, hai bên tự thỏa thuận trị giá nhà đất là 600 triệu đồng, chị H. được sử dụng nhà đất và trả 300 triệu đồng cho anh L. Tuy nhiên, sau đó anh L. đổi ý, không giao nhà đất cho chị H., nói nhà đất trên do cha mẹ anh mua, anh và chị H. chỉ ở nhờ. Do gia đình đông anh em nên ngày 10-11-1989, anh có đến gặp người bán nhờ viết lại giấy mua bán đứng tên người mua là vợ chồng anh. Nay vợ chồng ly hôn nên anh đề nghị tòa trả lại nhà đất cho cha mẹ anh.
 
Cha mẹ anh L. cũng yêu cầu tòa buộc anh L. và chị H. trả lại nhà đất cho ông bà. Ông bà trình bày rằng nhà đất này được ông bà mua lại với giá 17,5 chỉ vàng. Giấy tờ mua bán nhà đất có chữ ký của người bán, còn ông bà không có ai ký, cũng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau khi mua xong thì ông bà thuê người sửa chữa nhà và cho vợ chồng anh L., chị H. ở nhờ.
 
Tháng 1-2013, TAND huyện Phù Mỹ xử sơ thẩm đã tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa bên bán với anh L., chị H. được xác lập ngày 10-11-1989 là vô hiệu và buộc anh L. cùng chị H. trả lại nhà đất cho cha mẹ anh L. Chị H. kháng cáo. Hai tháng sau, TAND tỉnh Bình Định xử phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm.
 
Cha mẹ chồng cũ đòi nhà đất
 
Nhiều thiếu sót, vi phạm
 
Tháng 5-2015, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm nói trên về phần chia tài sản chung.
 
Tại phiên họp giám đốc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao.
 
Theo Ủy ban Thẩm phán, việc tòa cấp sơ thẩm không đưa hai người thân cùng hai con của chị H. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ. Tòa cấp phúc thẩm đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi họ chưa được tham gia từ cấp sơ thẩm là làm mất quyền kháng cáo của họ và vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử.
 
Cạnh đó, sau phiên tòa sơ thẩm, mẹ chị H. có đơn đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để được tham gia tố tụng từ đầu nhằm yêu cầu anh L. và chị H. phải trả tiền thuê đất của bà. Đúng ra tòa cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm để xem xét yêu cầu của mẹ chị H. vì cần giải quyết dứt điểm về công nợ để đảm bảo quyền lợi các bên.
 
Ngoài ra, theo Ủy ban Thẩm phán, trong quá trình giải quyết án, các bên đương sự đều xuất trình giấy chuyển nhượng nhà từ người bán. Tuy nhiên, “giấy chuyển nhượng nhà” giữa cha mẹ anh L. với bên bán đề ngày 10-9-1989 có chữ ký của bên bán nhưng bên mua không có ai ký và không có xác nhận của chính quyền địa phương. Do đó, chưa đủ căn cứ để xác định “giấy chuyển nhượng nhà” này được lập đúng vào thời điểm thể hiện trong giấy.
 
Trong khi đó, “giấy bán nhà” đề ngày 10-11-1989 giữa anh L., chị H. với bên bán có đủ chữ ký của các bên, có người làm chứng, có xác nhận của UBND xã. Vì vậy, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm không lấy lời khai của những người đã xác nhận này để có cơ sở xác định tính hợp pháp của văn bản trên là có thiếu sót. Đồng thời, cha mẹ anh L. có xác nhận của người bán nhà, của người xây sửa nhà nhưng nội dung trên chưa được đối chất làm rõ. Do đó chưa đủ căn cứ xác định bên nào là người bỏ tiền mua nhà và được sử dụng phần đất có nhà hợp pháp.
 
Ủy ban Thẩm phán kết luận hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án mà đã xác định nhà, đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cha mẹ anh L. là chưa đủ cơ sở. Vì vậy, Ủy ban Thẩm phán đã hủy hai bản án sơ, phúc thẩm về phần chia tài sản chung, giao hồ sơ về cho TAND huyện Phù Mỹ giải quyết lại.
 
“Hủy hai bản án là chính xác”
 
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi nghiên cứu hồ sơ, một kiểm sát viên VKSND Tối cao nhận xét: “Cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều có những sai sót nghiêm trọng. Các căn cứ pháp lý rất yếu, thiếu cơ sở, chưa có đối chất làm rõ và bỏ quên những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà vẫn tuyên án được là rất lạ. Có thể nói việc TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng tuyên hủy cả hai bản án, yêu cầu xét xử lại là rất chính xác”.

 

 

Lê Phi (PLTP)

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê