Theo khảo sát, có đến chục khối lưu trú trong 19 khách sạn 5 sao vị trí đắc địa nhất Tp.HCM được khối ngoại tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức. Khối ngoại chủ yếu tiếp cận thị trường thông qua cách nắm giữ cổ phần đủ lớn để nắm quyền chi phối. Những nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông đang tích cực tăng sự hiện diện tại hơn chục khách sạn cao cấp nhất Sài Gòn.
Từ nhiều thập niên trước, các nhà đầu tư Singapore đã bắt tay với các chủ đầu tư trong nước để đổ vốn vào các khách sạn Sheraton, Caravelle, Sofitel, InterContinental, Asiana Saigon.
Năm 1992, Công ty Glynhill Investments Vietnam cùng Saigon Tourist đã thành lập Công ty khách sạn Chains Caravelle để xây dựng, mở rộng, nâng cấp khách sạn Caravelle với số vốn 61,5 triệu USD, một con số "khủng" tại thời điểm đó.
Năm 1994, Công ty Lam Ho Investments Ptd., Ltd từ Singapore cũng đã cùng Saigon Tourist bỏ ra số vốn 97 triệu USD xây khách sạn Sheraton thông qua Công ty LD Khách sạn Đại Dương.
Là một tập đoàn hàng đầu về bất động sản tại Singapore, UOL Group cũng thông qua công ty con là Pan Pacific Hotel Group (PPHG) để đầu tư. Tập đoàn Pan Pacific sở hữu 26% tại khách sạn 5 sao Sofitel Sài Gòn.
Bên cạnh những nhà đầu tư đến từ Singapore, nhóm nhà đầu tư đến từ Hồng Kông cũng thông qua việc nắm giữ cổ phần tại khách sạn Renaissance, New World, Equatorial để chen chân vào thị trường lưu trú hạng sang tại Tp.HCM.
Đáng chú ý là Tập đoàn Keck Seng Investments, bởi đại gia Hông Kông này đầu tư cùng lúc tại 2 khách sạn 5 sao ở Sài Gòn. Ông trùm bất động sản xứ cảng thơm nắm giữ 25% lợi ích trong khách sạn Caravelle và sở hữu 64% cổ phần tại khách sạn Sheraton. Trong năm tài chính 2016 công bố năm 2017, hai khách sạn này đã đóng góp nghìn tỷ vào doanh thu của tập đoàn.
Đối với những nhà đầu tư Hàn Quốc, thương vụ ấn tượng trong nửa thập niên qua là vụ thâu tóm khách sạn Lotte Legend trên đường Tôn Đức Thắng, khu lưu trú có view nhìn thẳng ra sông Sài Gòn.
Tháng 4/2013, mua lại 70% cổ phần tòa cao ốc Legend từ Tập đoàn Kotobuki, Tập đoàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng Lotte (trực thuộc Tập đoàn Lotte) trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ nhiệm vụ quản lý khách sạn 5 sao này. Công ty Hải Thành sở hữu 30% cổ phần còn lại. Tên nguyên thủy của khách sạn này đã được đại gia Hàn Quốc gắn thêm thương hiệu “Lotte”. Đây được coi là điểm khởi đầu cho sự bành trướng tại Việt Nam và châu Á của Tập đoàn Lotte.
Phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Tp.HCM thu hút
sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vũ Lê
Khi các nhà đầu tư ngoại đua nhau đánh chiếm thị phần khách sạn 5 sao tại Sài Gòn, Saigon Tourist được coi là đại diện cho nhà đầu tư nội địa. Những khách sạn 5 sao mà đơn vị này có cổ phần và quản lý gồm: Caravelle, New World, Rex, Majestic, Grand, Sheraton, Pullman.
Trước việc Saigon Tourist và các công ty thành viên cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, các chuyên gia cho rằng làn sóng đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực này nhiều khả năng sẽ lan rộng tại Sài Gòn.
Không chỉ Sài Gòn, tại Hà Nội, tình trạng khối ngoại đánh chiếm thị phần khách sạn 5 sao cũng diễn ra mạnh mẽ, góp phần dịch chuyển đáng kể dòng vốn đổ vào “bản đồ” khách sạn 5 sao tại đây.
Trong 16 khách sạn 5 sao tại Hà Nội do các thương hiệu quốc tế quản lý, có 9 khách sạn mà cổ phần do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ chiếm đa số. Đây đều là những khách sạn hoạt động từ chục năm trước và nằm tại những vị trí đắc địa như Intercontinental Hanoi Westlake, Daewoo, Melia, Nikko, Pan Pacific, Sheraton...
Hai trong số này nằm ở ven Hồ Tây do Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad nắm giữ. Đây là tập đoàn của ông Vincent Tan - một tỷ phú tự thân của Malaysia.
Chục năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngoại liên tục đổ vốn vào những dự án khách sạn 5 sao mới tại Hà Nội. Đặc biệt là sự gia tăng nhóm nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Nếu trước đó chỉ có sự tham gia của Tập đoàn Deawoo thì đến nay đã có thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào các khách sạn như khách sạn Lotte (Tập đoàn Lotte), khách sạn Intercontinental Hanoi Landmark 72 (AON Holdings), Grand Plaza (Tập đoàn Charmvit).
Ngoài ra, những khách sạn 5 sao còn lại sau khi chuyển nhượng hiện do các doanh nghiệp từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore... sở hữu.
Dù yếu thế hơn nhưng từ lâu, một số nhà đầu tư Việt cũng góp mặt trên bản đồ khách sạn 5 sao với việc sở hữu toàn bộ hoặc một phần cổ phần tại khách sạn Hilton, Metropole, Pullman, Crown Plaza, Apricot... Đặc biệt, dù không chiếm đa số cổ phần nhưng 4 trong 16 khách sạn 5 sao ở Hà Nội có bóng dáng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - bà Nguyễn Thị Nga.
Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư, xây mới khách sạn 5 sao tại Hà Nội như JW Marriot của Tập đoàn Bitexco nằm ở phía Tây Thủ đô hay Hanoi De l’Opera của Tổng công ty Du lịch Hà Nội ở khu trung tâm. Ngoài ra, những vị trí đắc địa quanh khu vực Ba Đình, Hồ Tây cũng có mô hình căn hộ khách sạn được đầu tư theo tiêu chuẩn 5 sao.
Trưởng bộ phận Tư vấn Đầu tư Khách sạn của JLL Việt Nam, bà Võ Quốc Phương Trang cho biết, trong nhiều thập niên qua, khối ngoại không ngừng nhòm ngó và đánh chiếm thị phần khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Sài Gòn.
Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu chọn hình thức thâu tóm 100% tài sản hoạt động hoặc mua phần lớn cổ phần của doanh nghiệp để quản lý tài sản hoặc tham gia vào chiến lược phát triển.
Hình thức khác là mua một nửa số cổ phần hoặc mua cổ phần dưới dạng góp vốn để hợp tác đồng phát triển dự án. Trong 19 khách sạn 5 sao trở lên tại Sài Gòn có hơn 60% dưới hình thức liên doanh hoặc sở hữu 100% cổ phần.
Theo bà Trang, Hà Nội và Tp.HCM có lượng lớn khách quốc tế đến công tác và viếng thăm mỗi năm, con số này vẫn tăng trưởng đều đặn. Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là 1 trong 3 nước được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, trước đây là nhà đầu tư Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và gần đây có thêm Nhật Bản, Australia.
Chuyên gia này dự báo, với tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế, Hà Nội và Tp.HCM sẽ vẫn là hai điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào phân khúc khách sạn hạng sang. Phân khúc này ít rủi ro và mang về dòng tiền đều đặn, thuộc nhóm bất động sản thương mại tiêu dùng rất được khối ngoại ưa chuộng.
Bà Trang cũng phân tích, tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và Tp.HCM, lượng khách cư trú chiếm tỷ lệ cao nhất là khách doanh nghiệp. Nguồn khách này tương đối ổn định với ngân sách cư trú vượt trội. Hơn nữa, trong bối cảnh quỹ đất trống tại trung tâm ngày càng hạn hẹp, các nhà đầu tư rất tích cực tìm kiếm đối tác trong nước để cùng hợp tác đầu tư, hướng đến những khách sạn đang hoạt động.
Ngoài Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, JLL đánh giá, trong tương lai, thị trường khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Tp.HCM có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài năng động đến từ Malaysia, Nhật Bản và Thái Lan.