Hôm nay, ngày 01/11/2024 01:36:22 PM - Hotline: 0836 304 333

“Sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản... rất yếu

“Sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản... rất yếu

18/04/2016 10:14

Tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu khi quá phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tai hại hơn, với thực lực như thế mà các doanh nghiệp lại đua nhau làm dự án cao cấp trong khi thị trường thì khan hiếm căn hộ bình dân.

Nhà nghèo thích xài sang

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), “hòn ngọc Viễn đông” hiện có trên 10 triệu dân. Dự kiến đến năm 2020, dân số sẽ lên đến 12 triệu người nên nhu cầu nhà ở là rất lớn.

Với hơn 1,8 triệu hộ gia đình, gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế, và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm có nhu cầu thuê nhà, tạo lập nhà ở.

Không những thế, hiện có hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng cũng đặt ra nhu cầu rất lớn về cải thiện nhà ở đi đôi với chỉnh trang đô thị.

Theo HoREA, với thành phần dân số như trên, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn đang rất bức thiết.

Thế nhưng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang tập trung phát triển dự án phân khúc cao cấp trong khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn rất hạn chế, phụ thuộc vào dòng tiền đi vay.


Các doanh nghiệp đua nhau làm dự án cao cấp trong khi thị trường thì khan hiếm căn hộ bình dân

Các doanh nghiệp đua nhau làm dự án cao cấp trong khi thị trường thì khan hiếm căn hộ bình dân

Trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2016, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đặt ra tham vọng phát triển dự án BĐS cao cấp mà “bỏ quên” căn hộ bình dân mà thị trường đang rất cần. Khi tín dụng BĐS bị siết lại, các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng bằng cách mời gọi các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn hợp tác để thực hiện những dự án “khủng” để chứng tỏ “bằng anh, bằng chị”.

Số liệu thống kê của HoREA cho thấy, quý I/2016, tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt 5,46% thấp hơn so với mức 6,03% của quý I/2015; lạm phát (CPI) tăng 1,25% cao hơn so với mức 0,74% của quý I/2015; trong cả nước đã có đến 2.919 doanh nghiệp giải thể tăng 13,8% và 20.044 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,9%. “Sức khỏe” của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

“Nhìn toàn cục, thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc. Sự phát triển bền vững của thị trường BĐS chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Nhà giàu hãy tự lấy tiền túi mua căn hộ cao cấp

Theo ông Lê Hoàng Châu, một số vấn đề mới phát sinh sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, như: cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của bộ chủ quản.

Tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS và nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh BĐS, đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến các chủ thể tham gia thị trường BĐS, trước hết là các chủ đầu tư dự án, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đều phải tự điều chỉnh và tái cấu trúc đầu tư, kinh doanh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Giữa tháng 2/2016, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến hơn 8%/năm dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1-2% trong năm 2016.

Từ giữa tháng 3/2016 đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng.

Theo TS Đinh Thế Hiển, với căn hộ cao cấp thì hãy để cho giới nhà giàu lấy tiền túi ra mua, không nên cho vay
Theo TS Đinh Thế Hiển, với căn hộ cao cấp thì hãy để cho giới nhà giàu lấy tiền túi ra mua, không nên cho vay

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA vẫn tin rằng, thị trường BĐS năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015. Năm 2016, sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền... Đồng thời, do nguồn cung tăng và áp lực đảm bảo tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, chủ trương hạn chế tín dụng BĐS để an toàn thanh khoản là cần thiết.

“Theo tôi, phần vốn cho vay BĐS phải tập trung cho vay ở các dự án nhà trung bình theo chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển của nhà nước. Với căn hộ cao cấp thì hãy để cho giới nhà giàu lấy tiền túi ra mua, không nên cho vay. Phải làm như thế thì mới vừa có vốn phát triển BĐS theo hướng ưu tiên của Nhà nước, vừa không phải lo căng thẳng nguồn vốn ngân hàng”, TS. Hiển nói.

TS. Đinh Thế Hiển cũng đề xuất không nên phát triển BĐS ở bờ Tây TPHCM như khu Bason, vì đã quá chật chội hạ tầng, mà nên phát triển bờ Đông như quy hoạch thành phố và theo nhận định của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Công Quang

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê