Hôm nay, ngày 01/11/2024 03:23:05 PM - Hotline: 0836 304 333

Dỡ nhà không phép: Văn bản Bộ xây dựng gây khó!

Dỡ nhà không phép: Văn bản Bộ xây dựng gây khó!

12/04/2016 09:02

Đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ một căn nhà xây dựng không phép, tòa sơ thẩm nói thẩm quyền của UBND phường, tòa phúc thẩm bảo thẩm quyền của UBND quận.

Từ vụ phá dỡ căn nhà gỗ xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) mà hai cấp tòa ra hai phán quyết trái ngược nhau, chúng tôi đã tìm hiểu thêm cách xử lý của nhiều nơi.

TP.HCM: Không phép xã làm, sai phép quận làm

Nghị định 180/2007 phân ra hai dạng vi phạm xây dựng cơ bản là không phép và sai phép và cả hai đều có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế phá dỡ phần diện tích vi phạm. Về thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 của nghị định quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý, trừ các công trình vi phạm do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp phép xây dựng và bị UBND cấp xã đình chỉ thi công.

Căn cứ vào hai quy định trên, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: Lâu nay, khái niệm “công trình vi phạm do UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng cấp phép” được hiểu là công trình vi phạm này đã được cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình không có giấy phép xây dựng sẽ do chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ; công trình có giấy phép xây dựng sẽ do chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Đây là cách làm từng được lãnh đạo Sở Xây dựng thống nhất tại những cuộc họp về quy chế phối hợp giữa thanh tra xây dựng và phường/xã, quận/huyện khi xử lý công trình vi phạm xây dựng.

Ông Nguyễn Như Hồng, Đội trưởng đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Phú Nhuận, cho hay TP.HCM không vướng về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm xây dựng. Ông phân tích: Nghị định 180 đã giải thích công trình không phép là “công trình xây dựng mà không có giấy phép xây dựng trong khi yêu cầu là có giấy phép xây dựng”. Như vậy, không phân biệt công trình không đủ điều kiện hay đủ điều kiện cấp phép nhưng vì lý do gì đó mà chủ đầu tư không xin phép xây dựng hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, hễ khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng thì là công trình không phép. “Tại TP.HCM, công trình không phép do chủ tịch UBND phường/xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Chủ tịch UBND quận/huyện sẽ không ký quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình không phép mà chỉ ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ phần sai phép đối với công trình đã có giấy phép xây dựng nhưng xây sai phép, sai thiết kế được duyệt” - ông nói.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), cũng cho biết: “Đối với nhà ở không phép tại địa phương bất kể xây trên đất nông nghiệp hay trên đất thổ cư thì phường đều ra quyết định cưỡng chế phá dỡ”. Tại phường Thạnh Xuân (quận 12), theo Phó Chủ tịch Phan Kim Khôi thì phường này cũng có cách xử lý tương tự.

 Dỡ nhà không phép: Văn bản Bộ xây dựng gây khó!

Thông tư của Bộ gây khó cho việc thực thi

Đáng lưu ý là ngoài Nghị định 180 thì TAND TP Vũng Tàu và TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn căn cứ vào Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng để xét xử vụ án. Theo khoản 2b Điều 2 của thông tư này, đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND cấp huyện để chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Từ quy định này, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Nếu căn cứ theo Thông tư 02 thì TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có cơ sở để hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ của chủ tịch UBND phường với lý do trái thẩm quyền. Bởi lẽ căn nhà gỗ của người vi phạm thuộc trường hợp nhất thiết phải có giấy phép xây dựng. Thẩm quyền cấp phép trong trường hợp này thuộc cấp huyện, còn nếu không được cấp là do nó không đáp ứng điều kiện cấp phép. Do vậy, thẩm quyền ra quyết định phá dỡ phải là của UBND TP Vũng Tàu.

“Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung thì bản án phúc thẩm không thể dẫn chiếu Thông tư 02 để ra phán quyết cuối cùng. Lý do: Thông tư 02 đã có hướng dẫn khác biệt so với Nghị định 180. Cụ thể, với Nghị định 180 thì thẩm quyền ra quyết định tháo dỡ công trình không phép thuộc UBND cấp xã. Trong khi đó, với Thông tư 02 thì được phép hiểu thẩm quyền này thuộc UBND cấp huyện. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu có xung đột pháp luật thì Nghị định 180 có giá trị cao hơn Thông tư 02. Hơn nữa, cấp xã ra quyết định còn phù hợp với các Điều 28, 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính” - luật sư Hoan nêu ý kiến.

Một cựu thẩm phán xử án hành chính tại TP.HCM cũng nhận xét khái niệm “thuộc thẩm quyền cấp phép xây dựng của UBND cấp huyện” nêu tại Thông tư 02 đã có phần mở rộng so với khái niệm “do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng” của Nghị định 180. điều này là không được phép, nhất là có thể gây thêm khó khăn cho công tác cưỡng chế phá dỡ nhà vi phạm xây dựng. Theo vị thẩm phán này, có thể án sơ thẩm đã có những lập luận thiếu thuyết phục khi căn cứ vào Thông tư 02 để giữ nguyên quyết định cưỡng chế phá dỡ của UBND phường. Tuy nhiên, quyết định của án sơ thẩm là đúng với quy định của Nghị định 180. Do vậy, bản án phúc thẩm cần được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.

 

Cẩm Tú - Nguyễn Hiền (Pháp luật TP.HCM)

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê